Đau vai gáy

July 10, 2021

Đau vai gáy là bệnh rất phổ biến và bất cứ ai đều cũng có thể gặp phải. Bệnh tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó khăn và bất tiện trong sinh hoạt hang ngày. 

Đau vai gáy là gì?
Đau  vai gáy là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau mỏi và  khó khăn khi vận động xoay đầu và cổ. Đau vai gáy có thể do nhiều nguyên nhân, như té, chấn thương..., cũng  có thể dấu hiệu cảnh báo bệnh xương khớp và đôi khi nó cũng có thể bắt nguồn từ các vấn đề ở các bộ phận khác của cơ thể bạn. 

1. NGUYÊN NHÂN:
Đau vai gáy là bệnh lý thường gặp trong nhóm bệnh lý cơ xương khớp. Việc điều trị căng đau vai gáy gặp nhiều khó khăn vì đa phần người bệnh không loại bỏ được các yếu tố nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân gây đau vai gáy rất đa dạng:

a. Các hoạt động sai tư thế:
  • Thường xuyên ngồi lâu một tư thế, cúi gập cổ trong trong gian dài 
  • Ngủ gối đầu cao, ngủ gục mặt xuống bàn, nằm nghiêng co quắp,… Tất cả đều dẫn tới một số cơ vùng vai gáy bị căng giãn hoặc chịu lực tì đè quá mức.
  • Đột ngột quay cổ, với tay lên quá tầm,…
  • Thường xuyên nâng, mang vác nặng hoặc mang ba lô, đeo túi một bên vai. Những động tác này có thể tạo sức nặng + sức căng lên lưng, vai cổ, làm cột sống bị lệch sang một bên, gây nên tình trạng đau vai gáy.
b. Chấn thương:
  • Tập luyện quá sức: Nếu bạn tập luyện với cường độ cao, có tư thế tập không đúng hay không khởi động trước khi tập dễ bị chấn thương như trật khớp, rách gân, dây chằng ..
  • Chấn thương do tai nạn giao thông, lao động
c. Chấn thương mô mềm: mô mềm bao gồm cơ, gân và dây chằng. Khi chấn thương mô mềm xảy ra, có thể dẫn tới nhiều cơn đau nhức, bao gồm cứng khớp vai (Frozen shoulder). cổ, đau đầu và co thắt cơ bắp.

d. Bệnh lý:
  • Thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
  • Viêm khớp vai ( viêm quanh khớp vai)
  • Viêm khớp dạng thấp
e. Các nguyên nhân khác:
  • Đôi khi vai của bạn bị đau Đây có thể là dấu hiệu của vấn đề với túi mật, gan hoặc các cơ quan khác của bạn.
  • Đau tim. Nếu vai bị đau kèm khó thở hoặc cảm thấy tức ngực, bạn cần được cấp cứu ngay lập tức.
 
2. DẤU HIỆU BỊ ĐAU VAI GÁY
Bệnh đau vai gáy thường diễn ra một cách đột ngột, bất ngờ. Có khá nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi ngủ dậy cảm thấy đau ở vùng cổ, vùng vai và vùng gáy. Vì vậy, dấu hiệu trước tiên bệnh nhân cảm nhận được chính là đau cơ ở vùng cổ, vùng gáy, vùng vai và phần lưng trên.

3. CHẨN ĐOÁN
Bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp sẽ thăm khám, bệnh sử để loại trừ khả năng có bệnh khác. Kiểm tra cử động của cột sống cổ và khớp vai để đánh giá tính linh hoạt. Điều đó sẽ liên quan đến việc cử động cánh tay của bạn theo nhiều cách khác nhau, như đưa lên qua khỏi đầu, ngang ngực hoặc phía sau bạn và xoay trong và ngoài. Bác sĩ cũng có thể chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm hình ảnh để xem xét kỹ hơn:
  • Chụp X- Quang
  • Chụp CT scan
  • Chụp cộng hưởng từ MRI
  • Điện cơ (EMG)
4. ĐIỀU TRỊ ĐAU VAI GÁY VÀ CÁC BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC TẠI NHÀ
Đối với nhiều vấn đề khác, bác sĩ có thể đề nghị nghỉ ngơi, chườm nóng hoặc chườm đá và một loại thuốc như ibuprofen hoặc aspirin để giảm đau và sưng.
Nếu vai của bạn không cải thiện sau những bước đầu tiên trên, bác sĩ có thể tiêm corticosteroid (thuốc chống viêm) vào trong trực tiếp khớp để giảm sưng và đau.
Đôi khi rách sụn, rách chóp xoay và vai đông cứng không cải thiện khi nghỉ ngơi và dùng thuốc. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.
Với bất kỳ vấn đề nào ở vai, kế hoạch điều trị của bạn có thể sẽ bao gồm các bài tập giúp bạn kéo giãn và tăng cường sức mạnh cho khớp, đồng thời cải thiện phạm vi cử động của bạn.

5. PHÒNG NGỪA

Đau mỏi vai gáy là triệu chứng thường gặp của nhân viên văn phòng hoặc những đối tượng thường xuyên làm việc với tư thế cố định, ít vận động. Để phòng ngừa đau vai gáy, bạn nên thay đổi thói quen:
a. Công việc văn phòng (ngồi bàn giấy):
- Đảm bảo rằng ghế của bạn có điểm tựa lưng thích hợp và ngồi đúng tư thế.
- Không ngồi quá lâu: hãy nghỉ ngơi và đứng lên đi lại ít nhất một giờ một lần.
- Khi sử dụng điện thoại nên đặt màn hình điện thoại ngang tầm mắt, tránh cúi đầu nhìn màn hình quá lâu.
- Không có thói quen dùng bả vai và đầu để giữ điện thoại khi nói chuyện.
b. công việc đòi hỏi phải nâng vật nặng
-  Kỹ thuật khi nâng: Đối mặt với vật nâng, giữ thẳng lưng và khuỵu đầu gối để chân chịu sức nặng.
- Khi nâng vật nặng qua đầu: nên sử dụng ghế hoặc thang hỗ trợ
Khi nhận thấy triệu chứng đau mỏi cổ, vai gáy xuất hiện thường xuyên, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp để được kiểm tra và điều trị đúng cách. Như thế, người bệnh sẽ nhanh chóng thoát khỏi cơn cơn đau vai gáy và cải thiện chất lượng cuộc sống.

 ------------------------------
BS CKI Cao Lạc Khang - Chuyên khoa Chấn thương - Chỉnh hình
Bệnh viện Columbia Asia Bình Dương