Thoát vị đĩa đệm
September 29, 2020
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một trong những căn bệnh xương khớp khá phổ biến và đáng lo ngại nhất hiện nay. Bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, thường gặp ở nhóm người ở độ tuổi lao động từ 20-55 tuổi.
Cột sống được cấu tạo bởi các thân đốt xương sống xen giữa là các đĩa đệm được sắp xếp chồng lên nhau. Đĩa đệm có cấu tạo là lớp nhân nhầy mềm như thạch ở giữa bao quanh là lớp vỏ cứng hơn, đĩa đệm giúp tạo sự mềm dẻo cho cột sống và giúp chịu được áp lực cho cột sống đè lên.
Thoát vị đĩa đệm là khi nhân nhầy trượt ra khỏi vị trí bình thường ở giữa và chèn ép vào các dây thần kinh ở bất cứ vị trí nào trên cột sống gây đau nhức và tê, yếu những vùng cảm giác và vận động thần kinh chi phối
1. TRIỆU CHỨNG
Thoát vị địa đệm đôi khi sẽ không có biểu hiện vào giai đoạn đầu mà chỉ được chấn đoán thông qua chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, dấu hiệu bệnh cũng xảy ra tùy vào vị trí ảnh hưởng của thoát vị mà bạn có thể cảm nhận:
- Đau ở tay và chân: bạn sẽ cảm thấy đau ở mông, đùi và bắp chân nếu bị thoát vị cột sống ngực, lưng hoặc cảm thấy đau ở vai và cánh tay nếu bị thoát vị ở cổ. Cơn đau này có thể dữ dội hơn vào ban đêm hoặc khi bạn ho, hắt hơi, ngồi lâu, đi bộ quãng đường ngắn, thực hiện cử động nặng hơn sau đi đứng, ngồi.
- Tê và ngứa ran: do dây thần kinh bị chèn ép
- Teo và yếu cơ: bạn có thể bị vấp ngã hoặc gặp khó khăn trong việc nâng các vật nặng. Triệu chứng này thường xuất hiện ở giai đoạn nặng
Đĩa đệm bị thoát vị
2. NGUYÊN NHÂN
Thoát vị đĩa đệm thường là hậu quả của sự hao mòn dần do lão hóa hay còn gọi là thoái hóa đĩa đệm. Tình trạng trên có thể bị gây ra bởi nhiều lý do. Đó có thể là khi bạn dùng cơ lưng thay vì cơ chân và cơ đùi để nâng vật nặng, hoặc lưng bị vặn/xoay trong khi nâng. Tuy nhiên, nếu như bạn bị đánh vào lưng hoặc ngã thì thường không phải là nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm.
Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây ra bởi các nguyên nhân sau:
- Mang vác vật nặng quá sức, sai tư thế trong thời gian dài
- Lưng bị chấn thương
- Mắc các bệnh lý bẩm sinh ở cột sống như thoái hóa cột sống, gù lưng, …
- Béo phì: gây áp lực lớn lên cột sống khiến đĩa đệm bị tổn thương
- Di truyền: có người thân cũng mắc thoát vị đĩa đệm
- Nghề nghiệp đòi hỏi phải mang vác nặng, kéo, đẩy, gập người hoặc ngồi lâu một chỗ
- Đi giày cao gót: tăng nguy cơ bị lồi đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm
- Hút thuốc: làm giảm lượng oxy cung cấp cho đĩa đệm khiến đĩa đệm bị tổn thương nhanh hơn
Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
3. BIẾN CHỨNG
Thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn. Trong một số trường hợp, bạn có thể gặp các biến chứng:
- Teo cơ, yếu chân, đi lại trở nên khó khăn hơn
- Bị liệt nửa người hoặc cả người
- Rối loạn chức năng ruột hoặc bàng quang
- Són tiểu & Bí tiểu
- Mất cảm giác tại bắp đùi trong, chân sau, vùng quanh hậu môn
Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm lưng
4. ĐIỀU TRỊ
Thoát vị đĩa đệm trong giai đoạn đầu thường được điều trị bằng phương pháp bảo tồn và không phẫu thuật như
- Điều trị nội khoa: dùng thuốc kháng viêm không steroid (tuy nhiên nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh về tim và chảy máu), thuốc giãn cơ, thuốc tăng dẫn truyền thần kinh
- Vật lý trị liệu: kéo vùng chậu, xoa bóp nhẹ nhàng, sử dụng đá và nhiệt,siêu âm, sóng ngắn, hồng ngoại, paraphin, điện xung, giao thoa, kích thích cơ điện và các biện pháp kéo căng kết hợp cùng thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ
- Tiêm steroid ngoài màng cứng
Nếu triệu chứng không thuyên giảm trong 6 tuần thì có thể bạn sẽ được đề nghị phẫu thuật bằng các phương pháp:
- Phẫu thuật lấy bỏ phần đĩa đệm bị hư hoặc lồi: giải ép sự chèn ép đĩa đệm mà không phải loại bỏ hoàn toàn đĩa đệm
- Thay thế đĩa đệm bằng đĩa đệm nhân tạo
- Lấy bỏ đĩa đệm và cố định hàn khớp (bất động) liên đốt sống
5. PHÒNG NGỪA
- Không mang vác vật nặng, vận động quá sức hoặc sai tư thế. Không uốn cong ở thắt lưng thay vào đó hãy gập đầu gối và giữ lưng thẳng, sử dụng cơ chân để nâng đỡ.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên với các bài tập vừa sức để tăng độ dẻo dai cho cơ lưng, bụng, chân.
- Nên ngồi và đứng thẳng, đúng tư thế. Ví dụ: đứng thẳng với vai ngửa, hóp bụng, lưng thẳng. Khi ngồi thì đặt chân lên sàn hoặc kê cao.Tránh phải đứng, ngồi quá lâu để giảm áp lực cho cột sống
- Thường xuyên thay đổi tư thế, vận động khi ngồi nhiều
- Ngủ trên nệm có độ cứng vừa phải, nằm ngửa với tư thế thẳng
BS CKI Cao Lạc Khang - Chuyên khoa Chấn thương - Chỉnh hình
Bệnh viện Columbia Asia Bình Dương
Follow us for latest Health Tips:
Theo dõi chúng tôi để biết các Mẹo Sức khỏe mới nhất: