Xử trí và chăm sóc một số bệnh thường gặp ở trẻ

May 14, 2021

1. SỐT
Trẻ sốt khi có thân nhiệt cặp nách từ 37,5oC trở lên. Khi trẻ sốt cao từ 39oC trở lên có thể bị co giật. Khi trẻ sốt, nên:
- Uống nhiều nước, nằm chỗ thoáng mát, mặc quần áo mỏng dễ thoát mồ hôi.
- Uống thuốc hạ sốt khi thân nhiệt từ 38,5oC trở lên, những trẻ có tiền sử sốt cao co giật hoặc bị bệnh phổi, bệnh tim mạch thì nên cho uống thuốc hạ sốt khi sốt 38oC.
- Dùng thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10-15mg/kg mỗi 4-6 giờ, có thể uống hoặc nhét hậu môn.
- Lau mát hạ sốt với nước ấm, dung nước thấp hơn thân nhiệt 2-3oC.
 
2. CO GIẬT
NÊN:
- Đặt trẻ nằm nơi rộng rãi, an toàn, tránh vật sắc nhọn, nằm nghiêng để đàm nhớt rơi ra ngoài đường thở.
- Nếu trẻ có sốt thì xử trí sốt như trên.
- Ghi nhận thời gian co giật nếu được.
- Đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.
KHÔNG NÊN:
- Để trẻ một mình hoặc tụ tập quá đông quanh trẻ.
- Di chuyển hoặc để trẻ vào bồn tắm khi đang co giật.
- Đè trẻ hoặc cố gắng kiềm chế cơn co giật.
- Cho bất cứ vật gì vào miệng trẻ hoặc cố gắng nạy răng trẻ
- Nặn chanh, đổ sả vào miệng trẻ.’
- Không cho trẻ ăn uống đến khi tỉnh táo hoàn toàn.
 
3. SỐT XUẤT HUYẾT
Bệnh do siêu vi gây ra qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh xảy ra quanh năm, cao điểm vào mùa mưa.
Đưa trẻ đi khám bệnh nếu có những biểu hiện:
- Sốt liên tục từ 2-7 ngày
- Ói, đau bụng
- Dấu hiệu xuất huyết: chấm xuất huyết dưới da, bầm chỗ tiêm chích. Chảy máu mũi, chân răng, ói máu, tiêu phân đen, tiểu máu…
- Biểu hiện bệnh nặng (sốc): nhức đầu, lừ đừ, mệt, chân tay lạnh, rịn mồ hôi, da nổi bông, tiểu ít, ói hoặc đau bụng nhiều…Cần phải nhập viện cấp cứu nếu trẻ có dấu hiệu bệnh nặng.
 
4. TIÊU CHẢY

Khi trẻ bị tiêu chảy:
- Tiếp tục cho bú, cho ăn thức ăn dễ tiêu
- Cho trẻ uống nhiều nước: nước trái cây, nước đun sôi để nguội, nước cháo…
- Cho trẻ uống nước Oresol sau mỗi lần tiêu chảy: uống từng ít một, nếu trẻ nôn, đợi 10 phút sau cho uống lại và uống chậm hơn
Đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ có một trong các dấu hiệu:
- Khát nước, đòi uống nước háo hức hoặc không uống được.
- Nôn ói nhiều
- Mắt trũng, tiểu ít
- Có máu trong phân
- Sốt cao dọa co giật
 
5. BỆNH TAY CHÂN MIỆNG

Những triệu chứng của bệnh:
- Nổi hồng ban, bóng nước tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông
- Loét họng, loét miệng
- Biếng ăn do đau miệng
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao
Những dấu hiệu biến chứng nặng của bệnh phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay:
- Sốt cao liên tục khó hạ
- Ngủ giật mình liên tục, chới với
- Run tay chân
- Đi, đứng loạng choạng
- Quấy khóc hoặc lừ đừ, li bì
- Co giật
- Yếu tay, chân
- Thở nhanh, thở mệt
- Nôn ói nhiều
- Lạnh tay, chân, da nổi bông
 
6. CÁC DẤU HIỆU NGUY HIỂM TOÀN THÂN
- Co giật
- Ngủ li bì, khó đánh thức
- Nôn ói tất cà mọi thứ
- Bỏ bú hay không uống được
Cho dù trẻ mắc bệnh lý gì nhưng khi có một trong các dấu hiệu nguy hiểm toàn thân nêu trên thì phụ huynh hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

--------------------------
ThS. BS Mai Đào Ái Như - Trưởng Khoa Nhi
Bệnh viện Columbia Asia Bình Dương