Ngày Tết trẻ dễ bị ngộ độc thực phẩm

January 21, 2020

1. Nguyên nhân
Dịp tết là khoảng thời gian trẻ được nghỉ học, vui chơi nhiều nơi và ăn nhiều hơn bình thường. Thực phẩm ngày tết thường được chế biến sẵn, dự trữ nhiều ngày. Vì vậy, những ngày tết và sau tết là lúc trẻ dễ bị ngộ độc thức ăn nhất.

Có 2 nguyên nhân chính gây ngộ độc thức ăn:
  • Các loại hóa chất, gia vị, chất bảo quản sử dụng trong quá trình chế biến thức ăn
  • Các loại vi khuẩn phát triển trong quá trình chế biến và lưu trữ thức ăn nhiều ngày
 
Nguồn: Internet

2. Triệu chứngCác triệu chứng xảy ra sau khi ăn từ vài phút đến vài giờ, thậm chí một vài ngày sau:
  • Đau quặn bụng
  • Buồn nôn, nôn ói, có thể nôn thức ăn hoặc nôn toàn nước, có khi nôn lẫn máu
  • Tiêu lỏng, phân nhiều nước, có khi phân lẫn máu
  • Có thể sốt vừa, sốt cao hoặc không sốt
  • Mệt mỏi, khó chịu, biếng ăn
Nôn và tiêu chảy nhiều lần dẫn đến mất nước: môi khô, mắt trũng, lừ đừ, mạch nhanh, tiểu ít, nước tiểu sậm màu, co giật, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
 
3. Cách xử trí tại nhà khi trẻ có các triệu chứng ngộ độc
  • Ngay khi nhận thấy trẻ có biểu hiện của ngộ độc thức ăn: cần ngưng ngay thức ăn nghi ngờ có thể gây nôn cho trẻ để loại bỏ bớt thức ăn gây ngộ độc. Cần chú ý gây nôn đúng cách: cho trẻ nằm đầu thấp, hơi nghiêng đầu sang bên, dùng ngón tay ngoáy nhẹ vòm họng ở gốc lưỡi để kích thích trẻ nôn ra thức ăn.
  • Cho trẻ nằm nghỉ ngơi, cho trẻ uống nhiều nước từng chút một.
  • Bù nước cho trẻ bằng dung dịch Oresol đường uống.
  • Cho trẻ ăn từng chút một thức ăn lỏng: nước cháo, cháo, súp, sữa, cơm nhão…
 
4. Khi nào cần đưa trẻ tới bệnh viện
  • Khi trẻ còn nôn ói và tiêu chảy nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh, tiêu phân có máu
  • Trẻ không thể uống được, bỏ bú, mệt nhiều
  • Trẻ sốt cao, khát nước, đau bụng tăng dần
  • Tay chân lạnh, lừ đừ, khó thở, vã mồ hôi
  • Bệnh kéo dài trên 2 ngày dù đã chăm sóc đúng cách
-------------------------
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hường – Chuyên khoa Nhi
Bệnh viện Columbia Asia Gia Định