Dính thắng lưỡi - Cắt hay không cắt?

January 13, 2022
Dính thắng lưỡi (hay thắng lưỡi bám thấp) là một dị tật bẩm sinh không phổ biến ở thắng lưỡi làm cản trở cử động bình thường của lưỡi, gây khó bú và phát âm ở trẻ. Dị tật có thể được phát hiện sớm khi thăm khám trẻ sơ sinh, tuy nhiên, nhiều trường hợp chỉ được ghi nhận khi trẻ gặp khó khăn lúc bú


Biểu hiện lâm sàng của tật dính thắng lưỡi khá đa dạng.
  • Trước hết là khó khăn khi cho con bú như bé bú kéo dài hay khó ngậm đầu vú, mẹ có cảm giác khó chịu trong khi cho bú, dẫn đến bé chậm tăng cân.
  • Theo một số nghiên cứu, bà mẹ có con bị tật này có nguy cơ cao bị đau hoặc nứt ở núm vú, hiếm hơn là lượng sữa giảm dần hoặc viêm vú, dẫn đến tinh thần mẹ không thoải mái và bắt đầu cho trẻ bú sữa công thức.
  • Các dấu hiệu khác có thể gợi ý tật dính thắng lưỡi bao gồm: bé khó nâng lưỡi lên, thè lưỡi ra trước hay di chuyển lưỡi từ bên này sang bên kia, hoặc lưỡi có hình tim khi thè ra.

 
  • Khi bắt đầu tập nói, một số bé gặp khó khăn khi phát âm các từ bắt đầu bằng các phụ âm l, r, t, d, n, gi, th, s.
  • Bệnh nhân mắc chứng dính thắng lưỡi cũng có thể gặp khó khăn khi ăn một số loại thực phẩm (như liếm kem), chơi các loại nhạc cụ hơi (như sáo, kèn clarinet, kèn tubas, v.v…), và các vấn đề về khớp cắn (như khớp cắn hở, hoặc lệch khớp).
  • Ngoài ra, người bị tật dính thắng lưỡi có thể gặp khó khăn trong giao tiếp, dẫn đến mặc cảm, tổn thương lòng tự trọng.
Tiếp cận tốt nhất khi gặp tình trạng này là đánh giá mức độ nghiêm trọng của tật dính thắng lưỡi ở từng bệnh nhân.
  • Nếu không có bất cứ vấn đề nào về bú ở giai đoạn sơ sinh, lựa chọn tốt nhất là theo dõi mà không cần can thiệp gì. Vì lưỡi của trẻ mới sinh thường ngắn, nên rất khó đánh giá mức độ dính thắng lưỡi chính xác ở giai đoạn này.
  • Khi trẻ lớn hơn, lưỡi bắt đầu phát triển dài hơn và phần đầu lưỡi mỏng đi, có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng dính thắng lưỡi (nếu có). Thời điểm này có thể xem xét can thiệp nếu bé gặp các vấn đề về bú và phát âm.
  • Đối với bé có vấn đề về bú, cần đến gặp bác sĩ kiểm tra để khám loại trừ các nguyên nhân gây khó bú khác. Lưu ý rằng không phải các vấn đề liên quan đến bú kém đều bắt nguồn từ tật dính thắng lưỡi. Ở thời điểm này, lựa chọn can thiệp cho tật dính thắng lưỡi có thể là phẫu thuật cắt thắng lưỡi.
    • Thủ thuật phổ biến nhất là cắt thắng lưỡi (frenotomy). Đây là một thủ thuật đơn giản, tiến hành nhanh, hầu như không đau và có thể được thực hiện ở các cơ sở ngoại trú. Các nguy cơ và biến chứng sau thủ thuật cắt thắng lưỡi rất hiếm gặp. Phổ biến nhất là chảy máu và thường được giải quyết bằng cách đè ép tại chỗ. Tiền sử gia đình về rối loạn chảy máu sẽ được đánh giá trước khi làm phẫu thuật.
    • Một thủ thuật khác được sử dụng cho những trường hợp thắng lưỡi bám sát vào sàn miệng là phẫu thuật tạo hình thắng lưỡi (frenuloplasty). Tuy nhiên, thủ thuật này hiếm khi được chỉ định và phải được thực hiện dưới gây mê.
  • Đối với bé có vấn đề về phát âm, quyết định can thiệp có thể khó khăn hơn, có thể cần kết hợp với một chuyên gia về phát âm.
 
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu dính thắng lưỡi, phụ huynh nên đưa bé đến khám tại Bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác mức độ và từ đó đưa ra được biện pháp điều trị thích hợp.

-------------------------------
Bs. CKI Nguyễn Ngọc Thiên Chương – Phòng khám Răng Hàm Mặt
Bệnh viện Columbia Asia Bình Dương