LỊCH TIÊM CHỦNG CHO TRẺ 2019

April 26, 2019
Tiêm chủng cho trẻ em mặc dù không thể bảo vệ trẻ tránh được bệnh tật hoàn toàn nhưng nó được đánh giá là phương pháp tốt nhất giúp giảm thiểu các bệnh nguy hiểm ở trẻ. Tiêm chủng là cách để cha mẹ bảo vệ con khỏi những tác nhân gây bệnh, phòng ngừa bệnh tật và giảm thiểu mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do bệnh tật ở trẻ em.
 
CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA VACCINE NHƯ THẾ NÀO?
Vaccine là những chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, được sử dụng để tạo sự đề kháng của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh. Vaccine có nguồn gốc từ vi sinh vật được làm yếu, bất hoạt hoặc được tổng hợp từ những thành phần chiết tách của vi khuẩn, virus. Khi được đưa vào trong cơ thể qua quá trình tiêm chủng, Vaccine sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất ra các kháng thể tương ứng. Khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh, trí nhớ miễn dịch của cơ thể sẽ khởi động và kích hoạt quá trình tạo kháng thể để chống lại mầm bệnh, do đó bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
Nếu chưa từng tiếp xúc với mầm bệnh qua việc tiêm vaccine, cơ thể sẽ không có trí nhớ miễn dịch đối với mầm bệnh đó, vì vậy không thể tạo kháng thể để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của mầm bệnh. Vì vậy, tiêm chủng đầy đủ giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật, phòng tránh suy dinh dưỡng, tạo nền tảng để trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí não.
 
TẠI VIỆT NAM, TRẺ CẦN TIÊM NHỮNG LOẠI VACCINE NÀO?
Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại mầm bệnh phát triển. Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa hoàn chỉnh, do đó sức đề kháng với bệnh tật kém và dễ nhiễm bệnh. Vì vậy, trẻ nhỏ cần được tiêm Vaccine phòng tránh các bệnh: lao, viêm gan A, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não và viêm phổi do HiB, bệnh do phế cầu, tiêu chảy do rotavirus,  sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, bệnh do não mô cầu, thương hàn, cúm, viêm não Nhật Bản.
Lịch tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ theo chương trình Tiêm chủng quốc gia năm 2019


HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC TRẺ SAU TIÊM
Sau khi tiêm, cha mẹ không nên để trẻ về nhà ngay mà cần ở lại theo dõi 30p để phòng việc trẻ bị sốc phản vệ.
Nếu sau 30p trẻ không có phản ứng nào thì cha mẹ có thể đưa trẻ về nhà theo dõi thêm. Theo dõi xem trẻ có sốt không, có quấy khóc nhiều không, có xuất hiện biểu hiện nào ngoài da không, đi ngoài có bình thường không…
Nếu có biểu hiện nghi ngờ bất thường nào của trẻ, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để xử lý kịp thời và tránh các tình huống xấu xảy ra không đáng có.

Theo BS Nguyễn Thị Ngọc Hường – Khoa nhi
Phòng khám Columbia Asia Sài Gòn