August 18, 2023
Bà LTL ( 71 tuổi, ngụ tại tỉnh Ninh Bình) đến bệnh viện Columbia Asia Bình Dương (CABD) thăm khám do kết quả đi khám sức khỏe tại địa phương, siêu âm bụng phát hiện có khối u ở ổ bụng nên đề nghị được chẩn đoán và điều trị triệt để.
Tại CABD, Ths – Bs. CKII Nguyễn Hữu Lương - khoa Ngoại đã thăm khám và chỉ định Chụp CT scan bụng có cản quang. Kết quả CT khiến cho tất cả mọi người vô cùng ngạc nhiên, đặc biệt là bệnh nhân. Đó là ngoài phát hiện ra khối u nghi ngờ là u mạc treo hoặc u GIST (là khối u mô đệm đường tiêu hóa: dạ dày hoặc ruột, thường là lành tính, một số có thể hóa ác tính. GIST thường gây biến chứng tắc ruột, vỡ làm chảy máu hoặc viêm phúc mạc….) còn thấy một dị vật hình dạng giống với vòng tránh thai Dana (là loại vòng tránh thai thường sử dụng ở thế kỷ trước, hình dáng như hình con bướm mà ngày nay không còn sử dụng). Hồi cứu, bệnh nhân tin rằng có thể vòng tránh thai được đặt vào lúc sanh con út năm vào 1981, khoảng 42 năm trước (thời kỳ sinh đẻ có kế hoạch).
Quả thật nguy hiểm khi chiếc vòng tránh thai nằm quá lâu trong cơ thể nếu không theo dõi và kiểm soát nó có thể “đi lạc” đâm xuyên qua thành tử cung và chui lên ổ bụng xuyên qua bất cứ tạng nào trong ổ bụng sẽ gây ra nhiều biến chứng không lường. Rất may với bà LTL vòng chưa gây biến chứng gì.
Sau khi hội chẩn cùng Bs.CKII Phạm Ngọc Lai (trưởng khoa Ngoại Tổng Quát), ê kíp quyết định chọn phương cách mổ hở để thám sát và xử lý triệt để các tổn thương. Bs. Hữu Lương đã có trao đổi cụ thể với người nhà và BN về tình trạng của bà cần phải phải phẫu thuật cắt bỏ khối u kết hợp lấy “vật lạ”.
Khối u GIST ruột non kích thước # 7x5x5 cm
Vòng tránh thai DANA
Vào ổ bụng thám sát may mắn thấy vòng tránh thai dính chặt và được phủ kín bởi mạc nối lớn, nên việc gỡ lấy vòng dễ dàng không gây tổn thương chảy máu. Và khối u đó là tổn thương u nghĩ là GIST ruột non d # 7x5x5 cm, cách góc Treiz hơn 10 Cm (góc Treiz là chỗ nối đoạn đoạn cuối của tá tràng và đoạn đầu của ruột non), nên quyết định cắt bỏ đoạn ruột mang u,nối tận-tận và gởi làm giải phẫu bệnh lý (GPBL).
Trường hợp này sức khỏe của bà rất tốt, không bệnh nền, tinh thần lạc quan cũng như sự chăm sóc yêu thương của gia đình nên đã góp phần giúp cho ca phẫu mỗ thành công tốt đẹp. Hậu phẫu diễn tiến tốt, bệnh nhân xuất viện sau 5 ngày, tái khám sau 1 tuần để cắt chỉ và lấy kết quả GPBL.
Kết quả GPBL là mô đệm đường tiêu hóa (GIST) và đề nghị lấy mẫu để làm nhuộm thêm hóa mô miễn dịch. Kết quả Marker CD 117 (+), KI 67 (+) < 1%, Bệnh nhân được chuyển đến Bác sĩ ung bướu để hóa trị thêm.
Cả gia đình vô cùng cảm kích ê kíp Bác sĩ Columbia Asia Bình Dương. Người nhà của Bà cho biết: mặc dù đang cư ngụ tại Đồng Nai nhưng cả gia đình đều chăm sóc sức khoẻ tại Columbia Asia Bình Dương, do đó khi hay tin Mẹ ở quê bị Bệnh liền đưa bà vào Nam và đến điều trị tại Columbia.
Bs Bs Hữu Lương chia sẻ: việc kiểm tra sức khỏe tổng quát là rất quan trọng,và nên được thực hiện định kỳ hàng năm. Nhờ khám sức khỏe định kỳ mà bệnh nhân trên phát hiện được những bất thường, sớm có hướng điều trị hiệu quả hơn. Và riêng các chị em nếu đã đặt vòng tránh thai, cần lưu ý thời hạn của vòng và tuân thủ lời khuyên của Bác sĩ sản phụ khoa để tránh những biến chứng nguy hiểm.
-----------------------------------------------------------------
COLUMBIA ASIA BÌNH DƯƠNG - KHOA NGOẠI