Cứu sống bệnh nhân bị 2 lần ngưng tim

January 18, 2022
Ông NVV (60 tuổi) được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau thắt ngực, choáng nhưng vẫn tỉnh táo. Thế nhưng, ngay sau khi đến bệnh viện, ông NVV đột ngột bị ngưng tim, và lần thứ 2 lại tiếp tục xảy ra khi bệnh nhân được đưa đến phòng Tim mạch can thiệp (Cath-lab).
 
Bệnh nhân NVV cho biết ông không có tiền sử bệnh, chỉ có thói quen hút thuốc lá. Ông cảm thấy khoẻ mạnh cho đến trước lúc nhập viện 3 giờ thì xuất hiện những cơn đau thắt ngực và choáng. Ngay lập tức, người nhà nhanh chóng đưa ông vào phòng cấp cứu bệnh viện Columbia Asia Bình Dương (CABD). Tại đây bệnh nhân được xác định là bị nhồi máu cơ tim cấp cần phải được can thiệp mạch vành cấp cứu.
 
Khi bác sĩ chưa kịp giải thích tình trạng của bệnh nhân cho người thân thì bệnh nhân đột ngột mất ý thức, trên monitor phát hiện cơn rung thất (đây là một rối loạn nhịp có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng). Bệnh nhân đã tỉnh lại sau khi được shock tim và hồi sức cấp cứu,  tuy nhiên sinh hiệu không ổn định và có thể trở nặng trở lại bất kỳ lúc nào. Bệnh nhân cần được nhanh chóng tiến hành can thiệp mạch vành (mạch máu nuôi tim) vì thời gian cứu sống bệnh nhân lúc này được tính bằng phút.
 
Ê-kíp Bác sĩ tim mạch can thiệp và phòng Cathlab đã sẵn sàng đón nhận Bệnh nhân, thế nhưng ngay trước khi tiến hành can thiệp bệnh nhân tiếp tục ngưng tim lần hai. Bệnh nhân đã được cấp cứu kịp thời với shock điện khử rung thất và xoa bóp tim ngoài lồng ngực khoảng 4 phút thì có mạch và huyết áp lại. Bs. CKI  Trần Văn Thanh Phong – Trưởng đơn vị Tim Mạch can thiệp của CABD quyết định vừa hồi sức tích cực vừa tiến hành can thiệp chứ không chờ sinh hiệu ổn định, vì đó là cách duy nhất cứu sống bệnh nhân.
 
Với trang thiết bị hiện đại và ê kíp Bác sĩ kinh nghiệm đã nhanh chóng xác định vị trí nhánh động mạch vành phải bị tắc 95% do hình thành huyết khối trên nên xơ vữa động mạch và đã được xử lý bằng cách đặt 01 stent phủ thuốc. Sau 15 phút  can thiệp thì sinh hiệu của bệnh nhân dần dần ổn định trở lại.

 
Bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực và sức khỏe hồi phục, không còn đau ngực, cảm thấy dễ chịu. Sau 4 ngày, bệnh nhân đã khỏe hẳn và xuất viện. Ông NVV  chia sẻ: “trước đây tôi chưa từng có dấu hiệu đau ngực, không bị cao huyết áp, ăn uống không kiêng cử và sức khỏe bình thường nên không có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Cứ nghĩ rằng mình là người khỏe mạnh, không bệnh, vậy mà nay lại bị mạch vành khiến tôi rơi vào tình trạng nguy kịch tưởng chừng khó qua khỏi. Tôi cảm thấy thật may mắn đã được Bác sĩ cứu sống.” 

 
BS Thanh Phong và Ông V ngày tái khám

Thông qua trường hợp của ông NVV,  Bs. Thanh Phong muốn gửi lời khuyên đến mọi người, đặc biệt các anh chị bước vào tuổi trung niên cần lưu ý:
  1. Chúng ta không nên chủ quan với những triệu chứng thoáng qua vì đó có thể là những dấu hiệu để nhận biết và phát hiện sớm những bệnh lý tim mạch đặc biệt là ở những người có yếu tố nguy cơ như có bệnh lý : Tăng huyết áp, đái tháo đường hay là hút thuốc lá…
  2. Dù chúng ta hoàn toàn khoẻ mạnh thì chúng ta cũng phải khám sức khoẻ định kỳ để có thể tầm soát và phát hiện sớm những bất thường của cơ thể, đặc biệt là những bệnh lý về tim mạch để được điều trị kịp thời tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra.
  3. Tùy theo sức khỏe và độ tuổi, các anh chị nên thường xuyên vận động và tập thể dục.
Đến với Bệnh viện Columbia Asia Bình Dương, bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được BHYT hỗ trợ chi trả trong việc khám và điều trị dịch vụ kỹ thuật cao, đặc biệt là Tim mạch can thiệp (Chụp mạch vành, điều trị đặt stent..). Nhờ đó, đã có rất nhiều ca điều trị tim mạch can thiệp đã được thực hiện thành công cùng với sự hỗ trợ chi phí đáng kể từ BHYT.

-------------------------------
Bs. CKI Trần Văn Thanh Phong – Trưởng Đơn Vị Tim Mạch Can Thiệp
Bệnh Viện Columbia Asia Bình Dương