Bệnh chuyển mùa
October 30, 2020
Thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh hay vào mùa xuân xuất hiện nhiều hoa và phấn hoa là thời điểm trẻ em dễ bị ho, sỗ mũi và dị ứng.
Ban đầu chỉ là những cái hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi nhưng nếu không biết cách chăm sóc thì trẻ sẽ chuyển từ ho cảm thành viêm hô hấp trên, viêm amygdale, viêm xoang, viêm tai giữa thậm chí viêm phế quản phổi và xuất hiện cơn khó thở (suyển). Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.
Giai đoạn đầu của cảm ho thường do virus gây ra, các biểu hiện thường là: ho, sổ mũi, nghẹt mũi với chất tiết lỏng, không màu sau đó đặc dần lên và đổi màu từ trắng sang vàng rồi xanh, có thể sốt từ nhẹ đến nặng. Trẻ trở nên mệt mỏi, quấy và biếng ăn…
Khi thấy trẻ sốt, ho, sổ mũi, há miệng thở, các bậc cha mẹ thường rất xót xa, thương con và dùng thuốc ngay để giảm các triệu chứng này. Các loại thuốc có thể dùng được là thuốc hạ sốt Acetaminophen (Efferralgan, Hapacol, Panadol…), giảm sổ mũi, nghẹt mũi và giảm ho như Chlorpheniramine, Theralene, Toplexin…hoặc giảm ho bằng các thuốc thảo dược như Astex, Pectol, Cottu F hoặc Ích nhi... Nhưng đây chỉ là các thuốc điều trị triệu chứng, dùng tạm thời chứ không phải là thuốc chữa dứt các tác nhân gây bệnh.
Các biện pháp chăm sóc và hỗ trợ trẻ giúp trẻ nhanh chóng vượt qua trở ngại bệnh tật:
1. Sổ mũi, nghẹt mũi:
- Làm thông thoáng đường thở bằng cách làm sạch vùng mũi họng như hút dịch mũi họng, rơ lưỡi, làm bấc sâu kèn dẫn lưu dịch mũi họng.
- Khi dịch mũi quánh đặc, chuyển màu từ trắng trong sang trắng đục, xanh hoặc vàng, thì phải làm loãng dịch mũi bằng nước muối (đối với trẻ nhỏ: nhỏ trực tiếp nước muối vào mũi rồi hút ra, đối với trẻ lớn thì phun khí dung nước muối hoặc dùng thuốc xịt mũi) sau đó làm thông đường mũi
- Giữ ấm và matxa lòng bàn tay, lòng bàn chân và 2 bên sau dái tai
2. Ho, khò khè:
- Vệ sinh mũi họng, rơ lưỡi
- Không nên cho bé bú quá no, nên để bé nằm đầu cao, nghiêng một bên để hạn chế bị trào ngược dạ dày thực quản gây ói và sặc, bé sẽ ho và khò khè nặng hơn.
- Dùng thêm các thuốc ho dân gian như tắc chưng đường phèn, tần dày lá, nghệ rau om chưng cách thủy với mật ong
- Vỗ lưng, vật lý trị liệu hô hấp
- Dùng biện pháp vật lý như lau mát, tắm nước ấm
- Ở trong phòng sạch sẽ, thoáng mát, cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, hút mồ hôi
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước
- Cho uống thêm nước cam, nước chanh để tăng sức đề kháng cho trẻ.
- Cần phải rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc trẻ để giảm nguy cơ lây lan của mầm bệnh qua tiếp xúc thông thường
- Người lớn bị ho cảm nên hạn chế tiếp xúc hoặc cách ly với trẻ.
- Nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc trực tiếp với trẻ.
- Khi bé bệnh nặng hơn hoặc kéo dài hơn 3 ngày nên cho bé đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi.
------------------------------
BS Nguyễn Thị Hà - Chuyên khoa Nội Nhi
Bệnh viện Columbia Asia Gia Định
Follow us for latest Health Tips:
Theo dõi chúng tôi để biết các Mẹo Sức khỏe mới nhất: