TĂNG HUYẾT ÁP VÀ NHỮNG BIẾN CHỨNG KHÓ LƯỜNG

June 28, 2019
1. TĂNG HUYẾT ÁP LÀ GÌ ?
Tăng huyết áp là tình trạng do áp lực máu trong động mạch tăng cao. Huyết áp đo được có hai chỉ số là: huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương tương ứng với áp lực cao nhất và áp lực thấp nhất trong động mạch.
Áp lực thành động mạch


2. PHÂN LOẠI TĂNG HUYẾT ÁP NHƯ THẾ NÀO?
Năm 2017, Trường Môn Tim Mạch Hoa Kỳ và Hội Tim Mạch Hoa Kỳ đưa ra định nghĩa mới về ngưỡng tăng huyết áp như sau:
  • Huyết áp bình thường: huyết áp tâm thu < 120 mmHg và huyết áp tâm trương < 80 mmHg
  • Huyết áp cao: huyết áp tâm thu 120-129 và huyết áp tâm trương < 80mmHg.
  • Tăng huyết áp:
  • Giai đoạn 1: huyết áp tâm thu 130-139 hay huyết áp tâm trương 80-89 mmHg
  • Giai đoạn 2: huyết áp thu ≥140 hay huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg
  • Tăng huyết áp tâm thu đơn độc khi huyết áp tâm thu ≥130mmHg và huyết áp tâm trương <80mmHg. Tăng huyết áp tâm trương đơn độc khi huyết áp tâm thu <130 mmHg và huyết áp tâm trương ≥80mmHg.
Theo những nghiên cứu cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa các trị số huyết áp và các biến cố lâm sàng của bệnh lý tim mạch do tăng huyết áp. Trị số huyết áp từ 120 đến 129/80 có nguy cơ 1,1 đến 1,5 biến cố tim mạch và huyết áp từ 130 đến 139/85 đến 89 có nguy cơ từ 1,5 đến 2 biến cố tim mạch. Chẩn đoán bệnh tăng huyết áp thường phức tạp và đòi hỏi cần phải đo huyết áp lặp lại nhiều lần tại nhà và phòng khám.
 
3. NGUYÊN NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP ?
Khoảng 90-95% số ca tăng huyết áp không xác định được nguyên nhân (hay còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát) và tăng huyết áp thứ phát (nguyên nhân do bệnh lý thận, động mạch, tim và hệ nội tiết) chiếm khoảng 5-10% số ca còn lại. Ngoài ra một số thuốc giảm đau, an thần, thuốc điều trị giảm cân hay những thuốc co mạch có thể gây tăng trị huyết áp.
 
4. BIẾN CHỨNG CỦA TĂNG HUYẾT ÁP ?
Tăng huyết áp gây ra những biến cố tim mạch, thận, não và mắt như:
  • Phì đại thất trái: Phì đại thất trái là tình trạng thành cơ tâm thất trái của tim dày lên (phì đại). Phì đại thất trái có thể là do huyết áp cao hoặc tình trạng của tim làm cho tâm thất trái hoạt động nặng hơn. Khi quá tải, các mô cơ trong thành tâm thất trở nên dày hơn bình thường. Cơ tim nở rộng sẽ không đàn hồi và cuối cùng có thể không có đủ lực bơm lượng máu cần thiết cho cơ thể. Tình trạng phì đại thất trái sẽ làm tăng nguy cơ bị đau tim và đột quỵ.
  • Suy tim suy giảm chức năng tâm thu hoặc suy tim bảo tồn chức năng tâm thu.
  • Đột quỵ do thiếu máu não cấp hoặc xuất huyết não.
  • Bệnh tim thiếu máu cục bộ bao gồm nhồi máu cơ tim cấp (cơn đau tim cấp) hoặc các can thiệp nội mạch vành như đặt giá đỡ mạch vành hay mổ bắc cầu mạch vành.
  • Bệnh thận mạn hoặc bệnh thận giai đoạn cuối.
  • Bệnh lý võng mạc mắt

5. BẠN CẦN LÀM GÌ ĐỂ PHÁT HIỆN TĂNG HUYẾT ÁP ?
Để phát hiện tăng huyết áp, trị số huyết áp được đo bằng máy đo huyết áp cơ được gắn quanh cánh tay và được theo dõi tại phòng khám bác sĩ. Bạn có thể theo dõi huyết áp tại nhà bằng máy đo huyết áp điện tử.
    
Máy đo huyết áp cơ
 
Máy đo huyết áp điện tử
 

6. TẠI SAO CẦN PHẢI ĐO HUYẾT ÁP TẠI NHÀ ?​
                                                                                        
   
Bác sĩ sẽ khám bệnh và nghi ngờ bạn có tăng huyết áp thì bạn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên tại nhà. Có nhiều lý do cho việc tự kiểm tra huyết áp tại nhà như:
  • Bạn có trị số huyết áp đo được tại nhà có giống trị số huyết áp đo tại phòng khám bác sĩ.
  • Xem xét tác dụng của thuốc hạ áp có kiểm soát tốt huyết áp cho bệnh nhân.
  • Theo dõi sự biến thiên của trị số huyết áp ngày cũng như đêm.
Do đó bạn nên tự kiểm tra huyết áp tại nhà thường xuyên và ghi lại thành nhật ký huyết áp.















7. KIỂM TRA TRỊ SỐ HUYẾT ÁP TẠI NHÀ NHƯ THẾ NÀO ?
Khi bạn kiểm tra huyết áp tại nhà, bác sĩ và điều dưỡng yêu cầu bạn cần đảm bảo máy đo huyết áp phải phù hợp với kích thước cánh tay bạn và máy vẫn hoạt động tốt. Bạn cần phải:
  • Ngồi trên ghế, đặt chân xuống nền nhà phằng, không ngồi nghiêng ngả, không cử động hay nói chuyện trong quá trình đo.
  • Cố gắng hít thở bình thường và giữ yên tĩnh. Bạn cần ngồi thoải mái, thư giãn ở nhiệt độ phòng thích hợp.
  • Không ăn uống, hút thuốc, tập thể dục. Nghỉ ngơi từ 30 phút - 60 phút, sau đó mới bắt đầu đo huyết áp.
  • Đặt miếng quấn tay trực tiếp quanh cánh tay, không được đặt chồng lên tay áo. Miếng quấn quanh tay vừa đủ, không được quá chặt làm cho bạn không được thoải mái.
  • Tuân theo hướng dẫn đo huyết áp riêng của nhà sản xuất máy đo huyết áp điển tử.

Tư thế bệnh nhân lúc kiểm tra huyết áp tại nhà


8. BAO LÂU KIỂM TRA HUYẾT ÁP ?
Điều này tùy thuộc từng bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân có kế hoạch theo dõi và điều trị cụ thể riêng biệt. Bác sĩ và điều dưỡng sẽ hướng dẫn bạn cụ thể khi nào và bao lâu sẽ kiểm tra huyết áp tại nhà. Bạn nên kiểm tra huyết áp 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối và ghi lại thành nhật ký huyết áp. Trị số huyết áp thay đổi từng ngày và còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố như stress về tâm lý, sau gắng sức, dùng caffeine… Bác sĩ cần xem nhật ký huyết áp để có thể dự đoán trị số huyết áp trung bình của bạn và từ đó sẽ có quyết định điều trị chính xác.
 
9. TÔI CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIẢM TRỊ SỐ HUYẾT ÁP?

Bác sĩ của bạn đã kê đơn thuốc huyết áp, điều quan trọng nhất bạn có thể làm là uống thuốc. Bạn cần phải theo dõi tác dụng phụ. Nếu xảy ra tác dụng phụ, bạn không nên ngừng thuốc. Thay vào đó, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc y tá về những vấn đề này. Bác sĩ có thể giảm liều thuốc chuyển bạn sang một loại thuốc khác. Uống thuốc huyết áp có thể giúp bạn không bị đau tim hoặc đột quỵ và nó có thể cứu sống bạn

 

 
 



10. CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ HẠ HUYẾT ÁP KHÔNG DÙNG THUỐC ?

Bạn có rất nhiều biện pháp có thể kiểm soát huyết áp của bạn như:
  • Giảm cân (nếu bạn thừa cân).
  • Chọn chế độ ăn ít chất béo và giàu trái cây, rau quả và các sản phẩm từ sữa ít béo.
  • Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn mỗi ngày.
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày vào hầu hết các ngày trong tuần.
  • Giảm bớt bia rượu (nếu bạn uống nhiều hơn 2 ly rượu mỗi ngày).



-------------------------
BS Hà Tuấn Khánh – Nội tim mạch
Phòng khám Columbia Asia Sài Gòn